30 TUỔI VẪN “CHƯA GIÀU”: DO “SỐ” HAY BỞI “TỰ THÂN”

Các bạn trẻ thường tự nhắc nhớ nhau rằng: Chúng ta có quyền “nghèo” từ giờ đến 30 tuổi. Sau đấy thì không được phép nghèo nữa. Thế nhưng khi bước sang tuổi 30, bạn vẫn thấy bản thân mình nghèo nhưng không biết do “số” hay là tại “chính bản thân mình.

1- Những yếu tố quyết định khi bước vào đời

Khi mới tốt nghiệp bạn mang trên vai những khát vọng, nhiệt huyết để có thể cống hiến với “đời”. Khi đó, bạn không biết rằng: Đâu là yếu tố cần và đủ quyết định khi bước chân vào con đường sự nghiệp. Có những bạn sinh viên nghĩ rằng: Một bảng điểm toàn B, B+, A và tấm bằng cử nhân với xếp loại Giỏi, Xuất sắc… là đủ. Theo một lẽ hiển nhiên, CV của ứng viên có điểm số tốt, tấm bằng xếp hạng cao chắc chắn sẽ gây “chút nhớ thương” với nhà tuyển dụng.

Tuy nhiên, điểm số và bằng cấp không phải là tất cả để nhà tuyển dụng lựa chọn bạn trở thành ứng viên phù hợp. HR sẽ dựa vào các yếu tố khác trong hồ sơ: kinh nghiệm, chứng chỉ phụ kèm… hay chính là những câu trả lời và câu hỏi của bạn trong buổi phỏng vấn.

Thực tế đã được chứng minh rằng, nhà tuyển dụng sẽ chỉ dựa trên những kết quả thực chiến của bạn trong thời gian qua. Bạn đã làm được gì? Bạn có những kỹ năng nổi trội gì hơn những ứng viên khác? Dù rằng, bạn mới ra trường nhưng trong những năm tháng đi học bạn đã đi làm thêm, học thêm hay tự trau dồi kỹ năng của mình ở mức độ nào.

Có thể nói rằng, kỹ năng và kinh nghiệm luôn là yếu tố quan trọng quyết định bạn có “pass” phỏng vấn hay không. Chính vì vậy, hãy giữ đúng nhiệt huyết và sẵn sàng trau dồi bản thân ở bất cứ nơi đâu.

2 - 30 tuổi vẫn nghèo do chính bản thân bạn

Nhiều bạn nghĩ rằng, hiện tại mình vừa ra trường chỉ mới 22 23 tuổi. Còn đến 7 8 năm nữa mới bước sang tuổi 30 và chắc chắn mình sẽ không thể “Nghèo”. Tuy nhiên, sự “nghèo” ở đây không chỉ là tiền bạc mà còn chính là kiến thức, kỹ năng.

Tâm lý của mỗi sinh viên khi ra trường chính là tìm kiếm một mức lương khởi điểm thật cao. Bởi lẽ thời điểm này bạn như một chú chim nhỏ tự dang rộng cánh bay. Mọi khoản chu cấp từ bố mẹ, người thân đều được cắt bởi vì: Bạn đã có thể tự lập.

Chính vì yếu tố đó, bạn quên mất “khởi điểm” của mình là gì. Thay vì tìm công việc đúng với chuyên ngành đã được đào tạo hay công việc bạn yêu thích và có hướng phát triển lâu dài, bạn đi ứng tuyển tất cả những ngành có nét tương đồng nhau: Bất động sản, sale, marketing online hay hành chính nhân sự…

Sau một thời gian bạn cảm thấy chán nản vì đây không phải thế mạnh của mình. Bạn lại mải mê tìm kiếm những công việc lương cao mà không quan tâm đến chuyên ngành.

Đến năm 30 tuổi, khi quay đầu lại bạn nhận ra mình không có kinh nghiệm, kỹ năng chuyên sâu ở bất cứ chuyên ngành nào. Kiến thức của bạn vẫn đang chỉ dừng ở việc: cái gì cũng biết, nhưng chẳng sâu cái gì.

3 - Giữa đam mê & kiếm tiền - Bạn sẽ lựa chọn điều gì?

Đam mê & kiếm tiền - Bạn sẽ chọn điều gì? đó là một câu hỏi khó cho tất cả mọi người. Không chỉ là những bạn sinh viên mới ra trường, đây còn là câu hỏi cần nhiều sự suy tư đối với người nhiều năm kinh nghiệm. 

Rất ít người có thể từ bỏ việc kiếm tiền và chi tiền để theo đuổi đam mê (trừ những người có điều kiện tốt, không cần lo đến cơm áo gạo tiền). Bởi kiếm tiền chính là việc làm để đảm bảo chất lượng cuộc sống của mình.

Bạn có thể tạm quên đi đam mê của mình để kiếm tiền nhưng đừng để niềm đam mê ấy bị chôn vùi. Có một điều rất quan trọng đó là: Dù làm bất cứ công việc nào, hãy nghiêm túc và cầu tiến. Sự nghiêm túc giúp bạn thành công trong mọi tình huống xảy ra; sự cầu tiến giúp bạn ngày càng hoàn thiện bản thân về cả kỹ năng, kinh nghiệm và bảng lương.

Luôn ở thế chủ động là những gì bạn cần phải có khi bắt đầu bước vào đường đời. Bạn vẫn sẽ nhận được sự giúp đỡ, quan tâm từ những người xung quanh, nhưng không có gì có thể thay thế bằng việc mình tự phát triển. 

Sẽ có nhiều kịch bản khác nhau với sự nghiệp của bạn. Hãy lựa chọn con đường có thể thỏa mãn và phát triển chính mình. Đừng để rằng đến năm 30 tuổi bạn vẫn cảm thấy tiếc nuối vì những năm tháng tuổi trẻ đi chệch đường ray.